Ngủ trưa có tốt không: Câu trả lời sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ
Nhiều người không coi trọng giấc ngủ ngắn vào giữa ngày nhưng lại không biết tầm quan trọng của nó. Rốt cục ngủ trưa có tốt không? Ngủ trưa thế nào cho khoa học?
Tầm quan trọng của giấc ngủ trưa
Con người hầu như chỉ muốn làm những việc có lợi ích nhất định, nhưng không phải ai cũng hiểu hết tầm quan trọng của từng việc, bao gồm cả giấc ngủ hằng ngày. Vậy ngủ trưa có tốt không? Vấn đề này sẽ được các chuyên gia sức khỏe trên Pcbaby lý giải cặn kẽ.
Các nhà nghiên cứu của Đức cho biết: Chu kỳ giấc ngủ là do bộ não kiểm soát, theo sự tăng trưởng của tuổi tác mà xảy ra thay đổi nhất định. Đồng thời họ còn phát hiện, ngủ trưa là một phần của chu kỳ ngủ tự nhiên ở con người.
Một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ của trường đại học Florida (Hoa Kỳ) nhấn mạnh: Ngủ trưa đã dần dần đóng vai trò như một cách tự bảo vệ sức khỏe của nhân loại. Lúc đầu, ngủ trưa chỉ là vì con người muốn tránh đi cái nắng nóng gay gắt và cơ thể mỏi mệt, nhưng sau đó dần trở thành một thói quen, và ngày càng phát huy tác dụng đối với sức khỏe.
Lợi ích của ngủ trưa chính là điều kiện để đảm bảo sự tỉnh táo cần có cũng như duy trì tiết tấu sinh lý bình thường của cơ thể. Nhất là người lao động trí óc sẽ nhận thức rõ ràng rằng, hiệu suất công việc sau giấc ngủ trưa khoa học luôn được nâng cao rất nhiều.
Các tư liệu điều tra nghiên cứu cũng chứng minh, những quốc gia hay khu vực mà người dân có thói quen ngủ trưa thì tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cũng thấp hơn nơi khác. Có thể nói, ngủ trưa được ví như cách “nạp điện sức khỏe” tốt nhất sau nửa ngày hoạt động.
Những lợi ích từ giấc ngủ trưa đối với sức khỏe con người
Ngủ trưa có tốt không? Câu trả lời là có. Mặc dù chỉ là giấc ngủ ngắn vào giữa ngày nhưng các chuyên gia Đông y lẫn Tây y đều khẳng định tầm quan trọng của nó đối với sức khỏe con người. Bác sĩ Đông y khuyến cáo thời gian từ 11h đến 1h trưa là lúc dương khí trong cơ thể thịnh nhất. Ngủ trưa vào giai đoạn này có tác dụng cân bằng âm dương, giúp bạn trở nên sảng khoái tinh thần và tràn đầy sinh lực.
Ngủ trưa giúp hạ huyết áp
Ngủ trưa có lợi gì? Theo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia thuộc học viện Allegheny (Mỹ) phát hiện, nếu như áp lực làm việc quá lớn khiến huyết áp tăng cao thì vừa vặn, thói quen ngủ trưa đúng cách lại là liều thuốc giúp bạn cân bằng lại huyết áp ở mức ổn định.
Ngủ trưa giúp bảo vệ tim mạch
Nghiên cứu của Hy Lạp cho thấy rằng nếu không thể ngủ trưa hằng ngày thì ít nhất nếu mỗi tuần bạn có thể ngủ trưa 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút thì vẫn có thể giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim đến 37%.
Chuyên gia nghiên cứu cho rằng, điều này là do sau khi ngủ trưa, hệ thống huyết quản và tim mạch được thư giãn tối ưu, giảm mức độ căng thẳng tinh thần, khiến bạn có nửa cuối ngày làm việc hiệu quả hơn.
Ngủ trưa giúp tăng cường trí nhớ
Để giải đáp cho vấn đề ngủ trưa có tác dụng gì, các nhà nghiên cứu của Mỹ còn phát hiện: Ngủ trưa có thể khiến tinh lực và tính cảnh giác của con người được nâng cao ở mức độ ưu việt. Kết quả nghiên cứu của trường đại học Düsseldorf (Đức) còn thể hiện rõ: Ngủ trưa không những giải trừ mệt mỏi mà còn giúp bạn tăng cường trí nhớ.
Ngủ trưa giúp nâng cao sức đề kháng
Chuyên gia giấc ngủ của Đức cho biết: Một trong những điều kiện để bạn có cách ngủ trưa hiệu quả chính là chọn thời gian. Nếu điều kiện cho phép, thời điểm khoảng 1h trưa chính là đỉnh cao của giấc ngủ và hiệu quả thể hiện rõ rệt nhất. Ngủ trưa vào khoảng thời gian này có tác dụng kích thích các lymphocyte, tăng cường hoạt tính cho tế bào miễn dịch.
Thời gian ngủ trưa nên kéo dài bao lâu là lý tưởng?
Mặc dù biết tác dụng của giấc ngủ trưa nhưng ngủ trưa bao lâu là tốt nhất? Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo bạn không nên ngủ trưa quá dài, chỉ cần khoảng 30 - 60 phút là đạt hiệu quả. Hai giai đoạn bao gồm ngủ nông và ngủ sâu là sự thay phiên tuần hoàn mang tính chu kỳ của giấc ngủ.
Thông thường khi bạn ngủ hơn 60 phút thì dễ rơi vào giai đoạn ngủ sâu, khiến nhiều mạch máu ở tổ chức não tạm thời “đóng cửa”, máu lưu thông giảm, trao đổi chất chậm lại, tỉnh dậy sẽ khiến bạn toàn thân khó chịu và vẫn buồn ngủ.
Ngoài ra, ngủ trưa lúc mấy giờ là tốt nhất? Đương nhiên như trên đã giới thiệu, nếu điều kiện cho phép, bạn nên sắp xếp giấc ngủ trưa trong khoảng thời gian từ 11h đến 1h trưa là vô cùng lý tưởng, vì lúc này chỉ cần một giấc ngủ trưa ngắn nhưng có thể giúp cơ thể hồi phục, nâng cao hiệu quả làm việc cho buổi chiều.
Những điều kiện để tạo nên một thói quen ngủ trưa khoa học và hiệu quả
Ngủ trưa có tốt không đã không cần bàn cãi vì những lợi ích thiết thực của nó. Tuy nhiên, để có giấc ngủ trưa hiệu quả, bạn cần đảm bảo những điều kiện cơ bản nhất. Ngoài thời gian và độ dài ngủ trưa thì tư thế nằm cũng vô cùng quan trọng.
Không ít người có thói quen nằm gục ngay trên bàn làm việc để ngủ, hoặc chỉ ngồi trên ghế và “ngoẹo đầu” chợp mắt nghỉ ngơi. Tư thế này khiến máu lưu thông ở não bị giảm, không đạt đến mục đích ngủ trưa. Nếu không thể tìm chỗ nằm thuận lợi thì bạn có thể kê thêm chiếc ghế nữa để duỗi chân, giúp tuần hoàn máu toàn thân được dễ dàng hơn, phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch.
Tốt nhất vẫn là ngủ trưa nằm đúng tư thế, nằm thẳng người nếu có điều kiện. Đây là tư thế ngủ trưa giúp toàn cơ thể được thả lỏng và phục hồi tốt, khiến bạn nhận được nhiều lợi ích từ giấc ngủ trưa.
Ngoài ra, sau khi ngủ trưa, bạn không nên lập tức đứng lên mà nên chầm chậm ngồi dậy, co duỗi tay chân vài phút rồi mới bắt đầu cho công việc tiếp theo. Thời gian sau khi ngủ trưa cũng thích hợp để bạn thưởng thức một tách trà hoa thanh nhiệt, vừa kích thích tinh thần lại còn có hiệu quả làm đẹp.
Chú ý nếu bạn có đeo kính áp tròng thì nên tháo ra khi ngủ trưa để mắt được thư giãn tối đa. Đồng thời không nên chọn vị trí ngủ mà quạt điện hay máy lạnh thổi trực tiếp vào người để tránh cảm lạnh.
Một điểm đặc biệt nữa là nhiều chị em lo lắng không biết ngủ trưa có tăng cân không nhưng thực tế cho thấy, thông thường ngủ trưa không làm thể trọng của bạn tăng lên.
Hoài Ngọc (Theo PC Baby)
Bình luận